Với thời tiết rét đậm rét hại như hiện tại thì việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ sưởi ấm trong nhà trở nên phổ biến hơn. Nhưng dùng sai cách sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe.
Với nền nhiệt độ giảm sâu đặc biệt là vào sáng sớm và ban đêm thì các thiết bị sưởi ấm trong nhà được coi là cứu tinh cho nhiều gia đình, nhất là đối với những gia đình có em bé.
Tuy nhiên, khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm không đúng cách sẽ dẫn tới những hệ quả xấu cho sức khỏe, nhẹ thì khô da, hại đường hô hấp; nặng thì có thể khiến cơ thể bị sốc nhiệt dẫn tới đột quỵ và nguy cơ t.ử v.ong cao!
1. Các sai lầm khi sử dụng thiết bị sưởi ấm vào mùa lạnh thường gặp
1.1. Bật nhiệt độ sưởi ở mức cao
Đây là thói quen thường thấy của nhiều gia đình, nhất là khi vừa đi ngoài trời lạnh về với mục đích làm ấm cơ thể nhanh chóng. Thậm chí nhiều người còn “bon tay” để mức sưởi ấm cao nhất.
Tuy nhiên đây là một hành động hết sức nguy hiểm cho sức khỏe của bạn. Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt (Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam) thì việc bật các thiết bị sưởi ấm như quạt sưởi, máy sưởi, điều hòa công suất lớn ngay khi vừa đi ngoài trời rét về có thể khiến cơ thể bị sốc nhiệt, nhẹ thì hoa mắt chóng mặt; nặng thì hôn mê và có thể dẫn tới t.ử v.ong.
Bật các thiết bị sưởi ấm như quạt sưởi, máy sưởi, điều hòa công suất lớn ngay khi vừa đi ngoài trời rét về có thể khiến cơ thể bị sốc nhiệt (Ảnh: Internet)
Giải thích về nguyên nhân, GS.TS Việt giải thích là do sự chênh lệch giữa nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ trong nhà ở mức lớn, lúc này cơ thể không điều chỉnh thích nghi kịp thời nên xảy ra phản ứng sốc nhiệt.
Điều này cũng tương tự như việc bạn đang ở môi trường trong nhà ấm áp và bước ra ngoài trời lạnh ngay tập tức. Cơ thể sẽ bị hạ thân nhiệt, mồ hôi không thoát ra được từ đó khiến dây thần kinh trung ương bị tổn hại.
Biểu hiện thường gặp khi bị sốc nhiệt bao gồm:
– Mệt mỏi
– Nhức đầu
– Hoa mắt, chóng mặt
– Nói lắp
– Nhịp thở tăng nhanh rồi chậm dần lại dẫn tới hôn mê.
Khi gặp người bị sốc nhiệt, nên nhanh chóng thực hiện Các biện pháp sơ cứu người bị sốc nhiệt.
1.2. Lạm dụng miếng dán giữ nhiệt
Dưới sự phát triển của khoa học hiện đại thì các miếng dán giữ nhiệt đã trở nên phổ biến hơn và được ưa chuộng vì tính nhanh gọn tiện lợi. Tuy nhiên với những người sở hữu cơ địa da mỏng hay nhạy cảm với nhiệt thì lại không nên sử dụng.
Cơ chế hoạt động của miếng dán giữ nhiệt là gây ra phản ứng oxy hóa kim loại từ đó sinh ra nhiệt lượng và sưởi ấm vùng cơ thể mà bạn dán vào.
Miếng dán giữ nhiệt được bày bán nhiều trên thị trường vào mùa lạnh (Ảnh: Internet)
Một thói quen nguy hiểm khác khi sử dụng miếng dán giữ nhiệt chính là bóc dán ra liên tục gây bỏng rát, kích ứng. Có rất nhiều các nhãn hiệu miếng dán giữ nhiệt trên thị trường, bao gồm cả các miếng dán không rõ nguồn gốc nếu lạm dụng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe do các hợp chất thấm vào da gây mụn mẩn, da bị ngứa hay viêm da,…
1.3. Dùng than sưởi ấm trong phòng đóng kín
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân bị ngộ độc nghi nhiễm khí CO do đốt than sưởi ấm. Trong đó, 1 người nguy kịch, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đầu, chóng mặt và khó thở.
Đây chỉ là một trường hợp trong rất nhiều Ca t.ử v.ong do ngộ độc than sưởi mùa lạnh mà nhiều người cần chú ý.
PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa – Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, ngạt khí CO có thể gây nguy hiểm lớn cho tính mạng, thậm chí là t.ử v.ong do nạn nhân bị ngộ độc khí một cách từ từ, nạn nhân hít phải khí CO sẽ dần dần mất ý thức mà không biết tình trạng nguy hiểm hiện tại.
Đã có nhiều vụ ngộ độc khí CO do sưởi than củi trong phòng kín (Ảnh: Internet)
“Khí CO, CO2 sẽ dần dần chiếm trọn không gian, rút hết khí oxy khỏi không khí, khiến chúng ta không có khí oxy để thở, dẫn đến t.ử v.ong” , PGS.TS Trần Hồng Côn nói.
2. Lời khuyên của bác sĩ
Nhìn chung, trong việc sử dụng các thiết bị sưởi ấm mùa lạnh các gia đình đều cần chú ý tới vấn đề an toàn điện, an toàn trong cách sử dụng. Các thiết bị sưởi ấm mùa lạnh phổ biến bao gồm: Đèn sưởi, máy sưởi, điều hòa không khí hai chiều,… Tùy thuộc vào nhu cầu và ngân sách của mỗi gia đình mà các lựa chọn sẽ khác nhau.
Tuy nhiên, cần mua ở những địa chỉ uy tín, thiết bị có xuất xứ và nguồn gốc rõ ràng để tránh những tai nạn không mong muốn.
Ngoài ra:
– Với những thiết bị sưởi dạng đốt cháy oxy để sưởi ấm thì không nên sử dụng trong phòng kín.
– Tuyệt đối không được để máy sưởi hay điều hòa sưởi ở nhiệt độ quá cao, chênh lệch lớn với ngoài trời. Các chuyên gia cho biết, mức chênh lệch thích hợp nên là từ 5 – 10 độ.
– Khi sử dụng máy sưởi nên để xa chỗ nằm, chỗ chơi ít nhất là 1,5m trở lên.
– Với t.rẻ e.m, cha mẹ tuyệt đối không được dán miếng giữ nhiệt cho trẻ vì bản chất da của trẻ rất mỏng, rất dễ bị bỏng hay kích ứng.
– Người lớn khi sử dụng miếng dán giữ nhiệt cũng cần thận trọng, không nên lạm dụng. Có thể dán qua một lớp áo để đảm bảo an toàn cho làn da. Khi cảm thấy vùng da dán giữ nhiệt có những biểu hiện bất thường như mẩn ngứa, nổi mụn, nổi bóng nước thì cần ngừng sử dụng ngay lập tức.
Nhìn chung, ngoài việc sử dụng các thiết bị sưởi ấm cho mùa lạnh thì cũng cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng, cách mặc quần áo giữ ấm các vùng cơ thể quan trọng. Bạn có thể tham khảo Những bộ phận cơ thể nhất định phải giữ ấm nếu không muốn bị mất nhiệt.
Nhà nhà dùng đèn sưởi chống rét, chuyên gia chỉ cách sử dụng an toàn, hạn chế khô da
Việc dùng các thiết bị sưởi ấm không đúng cách sẽ gây hệ lụy lớn với sức khỏe, thậm chí là gây tai nạn nguy hiểm đến tính mạng con người.
Những ngày vừa qua thời tiết miền Bắc đang trải qua những ngày lạnh đỉnh điểm nhất kể từ mùa đông đến nay, một số nơi ở vùng núi cao nhiệt độ xuống chỉ còn 1-3 độ C, nhiều nơi xuất hiện băng giá, tuyết rơi. Tại Hà Nội, liên tiếp trong 3-4 ngày vừa qua nhiệt độ chỉ ở mức khoảng 10 độ C. Điều kiện thời tiết giá rét, người dân ngoài việc mặc ấm bảo vệ cơ thể, còn trang bị thêm nhiều thiết bị sưởi ấm như quạt sưởi, đèn sưởi, đệm nhiệt…
Việc dùng các thiết bị sưởi ấm là cần thiết khi nhiệt độ lạnh sâu, tuy nhiên các bác sĩ cũng đặc biệt lưu ý khi sử dụng để tránh gây hại cho sức khỏe và tai nạn đáng tiếc xảy ra.
TS.BS Vũ Nguyệt Minh – Phó Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, thời điểm mùa đông có đến 50% bệnh nhân đến khám tại viện gặp phải vấn đề khô da, một trong số nguyên nhân gây ra vấn đề này đó là việc sử dụng đèn sưởi, thiết bị sưởi ấm không hợp lý.
Bác sĩ Nguyệt Minh đang thăm khám cho trẻ bị khô da. Ảnh. Lê Phương
Theo phân tích của TS Nguyệt Minh, việc dùng đèn sưởi phòng ngủ, đèn sưởi nhà tắm nếu để quá gần sẽ khiến da rất nhanh bị khô dưới tác dụng của nhiệt. Việc khô da sẽ dẫn đến nhiều vấn đề như cảm giác khó chịu, với những người có sẵn bệnh lý nền như viêm da cơ địa, ban đỏ,… thì tình trạng sẽ càng trầm trọng hơn.
Để sử dụng đèn sưởi đúng cách, không ảnh hưởng đến làn da, TS Nguyệt Minh cho rằng, khi bật đèn sưởi cần cách xa người khoảng 2 mét trở lên, tại phòng tắm nên để xa nguồn nước, không chiếu trực tiếp vào người. Đối với phòng ngủ không nên đặt quá gần giường, gần các thiết bị dễ cháy nổ như sách báo, chăn ga, gối đệm. Khi bật thiết bị đủ ấm có thể tắt để tránh trường hợp quá tải, gây cháy nổ.
“Do thiết bị sưởi ấm gây khô nên khi sử dụng người dân nên đặt thêm chậu nước trong phòng, việc này giúp tạo độ ẩm trong không khí, hạn chế được khô da, nhưng nên để nước xa thiết bị”, TS Nguyệt Minh chia sẻ.
Ngoài vấn đề ảnh hưởng đến da nếu sử dụng không đúng cách, việc xảy ra tai nạn khi dùng đèn sưởi cũng hết sức phải lưu ý, nhất là tai nạn bỏng khi bật đèn sưởi. Bác sĩ Nguyễn Thống – khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, không chỉ đèn sưởi mà thiết bị điện nào cũng có thể gây tai nạn nếu bất cẩn khi sử dụng.
Khi dùng đèn sưởi nên để cách người khoảng 2 mét trở lên để tránh gây khô da. Ảnh. Lê Phương
Theo đó, với đèn sưởi thì ngoài khô da còn dễ gây bỏng các bộ phận trên cơ thể nếu phụ huynh không kiểm soát, ví dụng như việc trẻ tò mò cho tay vào đèn sưởi, thanh tỏa nhiệt hoặc với đèn sưởi dầu sẽ bị bỏng hóa chất…
Riêng đối với các loại túi chườm, chăn sưởi ấm vẫn có những nguy cơ gây bỏng không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng dễ gặp phải. Đặc biệt, với những thiết bị đã dùng lâu ngày bị cũ hoặc bị rách mà vẫn có sử dụng dễ bị rò gây điện giật, bị bỏng, hay một số loại túi chườm có dung dịch phía trong cũng có thể gây bỏng hoặt phát nổ khi mới sử dụng.
Để đảm bảo an toàn, cách tốt nhất là nên làm theo khuyến cáo, hướng dẫn của nhà sản xuất, chọn mua những thiết bị của nhãn hãng uy tín, chất lượng. Khi dùng thấy hiện tượng bất thường như rách, rò rỉ điện không nên dùng thêm mà cần bỏ hoặc sửa chữa lại trước khi dùng.
Nên dùng ở mức nhiệt vừa đủ, không để nhiệt độ quá cao chênh lệch lớn so với mức nhiệt ngoài trời bởi ngoài gây khô da, còn gây nên hiện tượng sốc nhiệt khi từ trong phòng ấm (nóng) bước ra trời lạnh.